Hà Lan, một quốc gia với diện tích chỉ bằng khoảng ⅛ lần Việt Nam với mật độ dân số lên tới 1300 cư dân/dặm, không có nhiều cánh đồng canh tác dày đặc như những quốc gia nông nghiệp khác nhưng Hà Lan lại là quốc gia đứng thứ hai thế giới trong việc xuất khẩu nông sản, chỉ sau Mỹ, nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Hà Lan: học được gì từ ngành nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả và đầy tham vọng?
Với khoảng ¼ diện tích lãnh thổ thấp hơn mực nước biển cùng nguy cơ nước mặn xâm nhập cao, Hà Lan được mệnh danh là “vùng nước đất trũng” với nhiều bất lợi trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ thực thi chiến lược “đầu tư cao – sản xuất nhiều”, Hà Lan đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong sản xuất nông nghiệp với những con số rất ấn tượng. Vậy đâu là bí quyết cho nền công nghiệp đầy giá trị này?
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
Với mục tiêu là đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả nông nghiệp, chính phủ đã đầu tư 2 triệu Euro vào việc mua các số liệu vệ tinh quay quanh quỹ đạo trái đất. Theo đó, vệ tinh sẽ cung cấp các số liệu chi tiết về áp suất, độ ẩm, chất lượng đất,..từ đó nông dân có thể đưa ra các phương án trồng trọt hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư vào cây trồng.
Quốc gia này còn là trụ sở của nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp hàng đầu thế giới, tiêu biểu là WUR – Đại học và Viện nghiên cứu Wageningen, trái tim của thung lũng thực phẩm (Food Valley). WUR kết hợp cùng chính phủ hỗ trợ nông dân không chỉ về mặt kinh tế mà còn về công nghệ, ví dụ như tư vấn cho nông dân loại cây nào phù hợp với trang trại của họ và đem lại lợi nhuận cao nhất.
Hơn nữa, chính phủ Hà Lan cũng đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông hiện đại, tiêu biểu là cảng Rotterdam và sân bay Schiphol, đóng vai trò quan trọng trong quá trình xuất khẩu nông sản đi khắp thế giới với thời gian nhanh nhất.
Ứng dụng công nghệ cao
Để tạo hiệu quả nông nghiệp cao và cả chất lượng và sản lượng, Hà Lan đã sử dụng những tổ hợp nhà kính để kiểm soát và ứng dụng công nghệ vào phát triển cây trồng dễ dàng hơn. Hệ thống nhà kính có thể hoạt động liên tục và bền vững, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch chất lượng.
Nhiều kỹ thuật nuôi trồng được áp dụng hiệu quả tại các khu nhà kính như dùng rận phytoseiulus persimilis để chống sâu bệnh tại các trang trại cà chua, dùng ong diệt sâu bọ tại trang trại trồng ớt chuông, hay kỹ thuật khử vi khuẩn và nấm không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Ứng dụng công nghệ đèn LED cũng là một phương pháp hiện đại cho phép trồng trọ quanh năm bất kể thời tiết và khu vực. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tạo ra các loại đèn LED đặc biệt phù hợp với từng loại cây, có thể tác động đến cả hình dáng, kích cỡ, năng suất, tạo ra các sản phẩm sạch với năng suất cao và giá thành rẻ hơn nhiều lần.
Nhờ không ngừng phát triển và ứng dụng công nghệ cao và sản xuất, Hà Lan đã trở thành quốc gia xuất khẩu khoai tây và hành tây số 1 thế giới và đứng thứ 2 về xuất khẩu rau xanh.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nguồn lực tự nhiên
Hiểu rõ về những bất lợi về ánh sáng, nhiệt độ, và diện tích đất, quốc gia này tập trung trồng các sản phẩm phù hợp nhất như các loại cây, rau, hoa quả thay vì các cây trồng truyền thống có chi phí cao. Các mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu cũng được tập trung phát triển gồm thịt, sữa, trứng, hoa-rau-cây cảnh.
Chiến lược quy hoạch hợp lý
Chiến lược quy hoạch nông nghiệp hiệu quả cũng là một yếu tố quyết định sự thành công của quốc gia này. Để tận dụng tối đa diện tích nông nghiệp, đất trồng tại Hà Lan nằm xen kẽ giữa cả vùng ngoại ô và thành thị. Thậm chí, mô hình nông trại nổi (Floating Farms) cũng đang được xây dựng rộng rãi trong điều kiện thiếu đất làm nông sản.
Ngoài ra, với chiến lược “dùng vốn thay đất”, hàng năm chính quyền Hà Lan đầu tư bình quân 4000 Euro/hecta đất nông nghiệp cùng nhiều chính sách tài trợ nông nghiệp cho người dân, một con số cực kỳ lớn so với nhiều quốc gia khác.