Các phương pháp canh tác truyền thống dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra những lo ngại về xói mòn đất, lãng phí nước và bùng phát dịch do sâu bệnh có hại gây ra. Phương pháp canh tác thuỷ canh sẽ giúp giải quyết các vấn đề này.
Phương pháp thủy canh: giải pháp cho nông nghiệp đô thị
Phương pháp thủy canh là quy trình canh tác dựa trên nước, không cần đất. Cây trồng được trồng trên giá thể và hấp thụ chất dinh dưỡng từ nước để sinh trưởng, do đó loại bỏ được rất nhiều vấn đề liên quan đến các phương pháp trồng cây phụ thuộc vào đất.
Cây trồng theo phương pháp này cách ly với môi trường bên ngoài, nguồn chất dinh dưỡng được điều chỉnh và kiểm soát nên mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm diện tích và dễ chăm sóc. Mô hình này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực đô thị ít diện tích trồng trọt, thậm chí các hộ gia đình cũng có thể trồng rau ngay tại nhà bằng hình thức thủy canh.
5 lý do nên chọn trồng rau thủy canh
Ứng dụng mô hình canh tác thủy canh đem lại nhiều thay đổi tích cực về cả chất lượng và năng suất cây trồng.
Cung cấp nguồn sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng
Vì không sử dụng đất nên cây trồng sẽ không mắc các bệnh liên quan đến đất, quy trình trồng cũng được điều chỉnh và kiểm soát kỹ lưỡng, không dùng thuốc trừ sâu nên sản phẩm thủy canh thu được an toàn tuyệt đối và giữ trọn vẹn được độ tươi cũng như nguồn chất dinh dưỡng.
Hơn nữa, theo các nghiên cứu, cây trồng được canh tác thủy canh không chỉ an toàn mà còn phát triển khỏe mạnh hơn so với khi được trồng trong đất. Lý do là vì cây được cung cấp nguồn chất dinh dưỡng trực tiếp từ nước, không phải phát tán rễ ra ngoài để tìm kiếm chất dinh dưỡng từ đất nên chúng dành nhiều năng lượng hơn để tập trung vào quá trình sinh trưởng.
Cải thiện năng suất đến 50%
Cây trồng theo hệ thống thủy canh thường có kích thước lớn hơn, có thể lên đến 40% và phát triển nhanh hơn, từ 30% đến 50% so với cây trồng trong đất. Các loại rau xanh như rau diếp cá hay các loại quả mọng nước như cà chua có xu hướng phát triển rất nhanh khi ứng dụng mô hình thủy canh.
Cây trồng phát triển nhanh hơn nhờ nhận được một lượng dinh dưỡng chất lượng và điều kiện sinh trưởng được kiểm soát, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như thời tiết hay sâu bệnh. Ngoài ra, với phương pháp này người nông dân có thể trồng nhiều loại cây liên tục quanh năm, kể cả những cây trồng trái vụ.
Tiết kiệm không gian
Cây trồng trong đất cần phát triển rễ để tìm nước cũng như chất dinh dưỡng để sinh trưởng nên cần trồng cách nhau một khoảng nhất định. Tuy nhiên, với thủy canh, chất dinh dưỡng và nước được truyền trực tiếp đến cây nên bộ rễ không cần phải phát triển nhiều để tìm chất dinh dưỡng, do đó có thể trồng nhiều cây hơn trong cùng một khoảng không gian so với các mô hình trồng cây trên đất. Cây trồng cũng có thể canh tác thủy canh theo mô hình thẳng đứng để tiết kiệm tối đa diện tích.
Tiết kiệm nước
Các phương pháp canh tác trên đất cần sử dụng rất nhiều nước và lượng nước thất thoát cũng rất lớn, không chỉ tác động đến chất lượng đất mà còn gây lãng phí nước. Vì lượng nước sử dụng hoàn toàn được kiểm soát nên hệ thống thuỷ canh sử dụng ít nước hơn đến khoảng 10 lần, ngoài ra có thể dễ dàng kết hợp hệ thống tưới nước hiện đại giúp tối ưu hóa lượng nước sử dụng.
Tiết kiệm chi phí
Mặc dù chi phí để xây dựng hệ thống thuỷ canh khá lớn, tuy nhiên về lâu dài phương pháp này giúp tiết kiệm nước, chất dinh dưỡng, lượng thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật, đồng thời thời gian thu hoạch lại ngắn nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với các phương pháp khác.